Lần theo dấu vết 2.000 tỷ đồng trái phiếu 

Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc phát hành 25 gói trái phiếu “khống” của 4 doanh nghiệp với tổng giá trị 30.870 tỷ đồng. Đến nay, còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 nhà đầu tư. 

Trong 4 doanh nghiệp nói trên có Công ty CP Dịch vụ – Thương mại TPHCM (Setra). Tiền thân của Setra là doanh nghiệp Nhà nước nhưng sau đó đã thoái vốn, bà Trương Mỹ Lan nhận chuyển nhượng vốn và giao người khác kiểm soát. 

Khu đất 220 Bình Thới, P.14, Q.11, TPHCM có vị trí đắc địa với hai mặt tiền đường. Ảnh: Anh Phương

Tháng 8/2020, Setra họp cổ đông và ra các nghị quyết thông qua phương án phát hành 20 mã trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Tất cả trái phiếu này đều không có tài sản đảm bảo, đáo hạn vào tháng 8/2025, lãi suất từ 11%/năm. 

Dù kết quả kinh doanh năm gần nhất của Setra không có lãi nhưng kiểm toán viên của Công ty Kiểm toán A&C đã “xử lý kỹ thuật”, sửa báo cáo tài chính để Setra đủ điều kiện phát hành trái phiếu. 

Mục đích sử dụng vốn trái phiếu của Setra là để đầu tư vào dự án Trung tâm thương mại và căn hộ tại số 220 Bình Thới, Q.11 (dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới), diện tích đất gần 9.000m2. 

W-vạn thịnh phát 4.jpg
Mặt tiền đường Bình Thới kéo dài từ hẻm mới mở rộng đến giao lộ Lãnh Bình Thăng – Ông Ích Khiêm. Ảnh: Anh Phương

Trong tháng 8/2020, Setra đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group), chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới. 

Để hợp thức hoá tư cách trái chủ sơ cấp, Công ty Điền Gia Cát đã ký hợp đồng đặt mua 20 mã trái phiếu và sau đó chuyển 2.000 tỷ đồng cho Setra. Tiếp đó, Setra chuyển số tiền này cho VIPD Group theo hợp đồng hợp tác. 

Theo dấu dòng tiền, cơ quan điều tra phát hiện Công ty VIPD chuyển 2.000 tỷ đồng cho một pháp nhân khác với nội dung “chuyển tiền theo thoả thuận”. Pháp nhân này lại tiếp tục chia nhỏ 2.000 tỷ đồng và chuyển tiếp cho 4 cá nhân khác để rút tiền mặt. 

Tính đến tháng 10/2022, 20 mã trái phiếu do Setra phát hành vẫn còn dư nợ 2.000 tỷ đồng và có 2.431 trái chủ thứ cấp. 

Đất công thành đất tư 

Theo cơ quan điều tra, Setra báo cáo mục đích phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu là để đầu tư vào dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới. Tuy nhiên, số tiền thu về đã được chuyển lòng vòng, điểm đến cuối cùng là các cá nhân được bà Trương Mỹ Lan thuê để hợp thức hoá giao dịch. 

Về chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới, tiền thân của VIPD Group là Công ty cổ phần Bất động sản Phú Vinh (Công ty Phú Vinh), được thành lập vào năm 2008. Tại thời điểm này, 90% vốn của Công ty Phú Vinh thuộc sở hữu của Công ty cổ phần An Phú. 

W-vạn thịnh phát 2.jpg
Bảng hiệu Công ty Phú Vinh tại căn nhà nằm trên khu đất. Ảnh: Anh Phương

Công ty Phú Vinh được lập ra để triển khai dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới. Đến tháng 4/2011, Công ty cổ phần An Phú đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty Phú Vinh cho nhà đầu tư khác. 

Năm 2013, Công ty Phú Vinh đổi tên thành VIPD Group, đồng thời tăng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng và sau đó là 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, VIPD Group đã giảm vốn và đến năm 2022 còn 992 tỷ đồng. 

Sau hơn chục năm, dự án Khu căn hộ cao cấp Bình Thới vẫn còn nằm trên giấy. Liên quan đến quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 220 Bình Thới, Q.11, có 4 người nguyên là lãnh đạo thuộc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vướng lao lý. Vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 12/2023. 

W-vạn thịnh phát 1.jpg
Khu đất 220 Bình Thới hiện đang được tận dụng làm bãi giữ xe. Ảnh: Anh Phương

Theo tìm hiểu, khu đất 220 Bình Thới trước đây là trụ sở của Công ty Đúc số 1, trực thuộc VEAM. UBND TPHCM đã phê duyệt đề án di dời doanh nghiệp này vào khu công nghiệp. 

Năm  2006, VEAM hợp tác với Công ty Phương Nam lập ra liên doanh là Công ty Đúc Phương Nam. Ngoài kiến nghị cơ quan chức năng TPHCM cấp giấy chứng nhận khu đất 220 Bình Thới cho Công ty Đúc số 1, VEAM thoả thuận sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất này lại cho Công ty Đúc Phương Nam. 

Tuy nhiên, năm 2007, Công ty Đúc Phương Nam giải thể, VEAM mang quyền sử dụng khu đất 220 Bình Thới trị giá 115 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Phú Vinh, tiền thân của VIPD Group. 

Sau đó, VEAM đã chuyển nhượng toàn bộ vốn góp bằng nguyên giá cho Công ty Phương Nam. Đến năm 2008, VEAM đã không còn sở hữu vốn tại Công ty Phú Vinh, tiền thân của VIPD Group. 

VIPD Group từng gây chú ý trên thị trường bất động sản khi vào năm 2013, nhiều thông tin cho rằng doanh nghiệp này đã chi gần 10.000 tỷ đồng để mua lại trung tâm thương mại Vincom Center A trên đường Nguyễn Huệ, Q.1 và sau đó đổi tên thành Union Square. 

Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Toà án sẽ xử lý tài sản của 3 người qua đờiQuá trình giải quyết vụ việc có 3 cá nhân đã chết. Một lượng lớn vàng, tiền cùng nhiều giấy tờ nhà đất của họ đã được CQĐT chuyển toà án quyết định.


Nguồn Vietnamnet