Thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, khó thu hút chủ đầu tư là nguyên nhân khiến nhiều thành phố lớn gặp hạn chế trong phát triển nhà xã hội.
Tại Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội sáng ngày 22/2, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, từ năm 2021 đến nay, có gần 500 dự án nhà ở xã hội được triển khai với hơn 411.000 căn. Trong khi đó, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của đề án xây dựng một triệu căn nhà xã hội là 428.000 căn. Ông nói nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng hạn, cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu.
Tuy nhiên, nhiều thành phố trọng điểm với nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, lại có kết quả hạn chế. So với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu; TP HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn; Đà Nẵng đáp ứng 43% với hơn 2.700 căn. Nhiều địa phương không có dự án nào khởi công từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi… Có những địa phương chưa quy hoạch, bố trí quỹ đất xây nhà xã hội như Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp.
Tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đến hết năm 2023, tính cả số căn nhà xã hội hoàn thành và đang triển khai mới đạt 7% mục tiêu đến năm 2025 của đề án với hơn 2.400 căn. Hầu hết dự án nhà xã hội đều chậm tiến độ. Đến nay, tỉnh còn 5 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong và 3 đã có đất sạch nhưng chưa đầu tư xây dựng.
Lý do chính đến từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng do cả UBND cấp huyện và chủ đầu tư chưa chủ động. Ngay cả những dự án đã có đất sạch, việc giao, cho thuê vẫn mất nhiều thời gian lập hồ sơ và thẩm định. Ngoài ra, kết quả phát triển nhà xã hội còn thấp do việc thu hút đầu tư còn chậm, thủ tục đầu tư, mua bán còn phức tạp. Thực tế, số dự án được duyệt đầu tư tại tỉnh này mới đạt 25% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Cùng quan điểm, ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết cơ chế ưu đãi với chủ đầu tư vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Trước đây Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49 quy định chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà xã hội. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 không còn quy định nêu trên, gây khó trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia.
Thiếu quỹ đất cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều thành phố lớn gặp khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây nhà xã hội. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lan Hưng, cho biết đơn vị khảo sát hàng chục địa phương từ năm 2017 đến nay nhưng chỉ có một số tỉnh có quỹ đất phù hợp để làm dự án. Quỹ đất eo hẹp tạo thách thức cho việc hoàn thành nhà xã hội.
Ông Toàn cho biết, tại những tỉnh vùng ven như Bắc Ninh, Bình Phước, chỉ cần bố trí được quỹ đất khoảng 100 ha có thể xây 30.000 căn. “Tuy nhiên quỹ đất ở đâu và bố trí như thế nào thuộc về trách nhiệm các địa phương”, ông nói.
Khó khăn trong tiếp cận gói vay ưu đãi cũng tạo thách thức cho mục tiêu phát triển nhà xã hội. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được áp dụng được 10 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 0,3%. Bộ Xây dựng cho biết đã gửi Ngân hàng Nhà nước danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay. Tuy nhiên báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chỉ có một chủ đầu tư được vay với số tiền gần 126 tỷ đồng.
Đại diện UBND TP HCM cho biết thành phố có 4 dự án nhà xã hội gần hoàn thành và dự kiến bàn giao nhà trong năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được giải ngân trong gói vay ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá việc triển khai gói 120.000 tỷ đồng chưa đi vào cuộc sống.
Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thách thức lớn nhất mà các địa phương gặp phải khi phát triển nhà xã hội là thiếu quỹ đất (do chưa tính toán chính xác cung – cầu) và nguồn vốn đầu tư.
“Tính toán sai thì không ai xây dựng, tính toán thiếu như Hà Nội đến nay gặp nhiều khó khăn”, Phó thủ tướng cho biết.
Về pháp lý đất đai, Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi đã góp phần tháo gỡ những khó khăn. Phó thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa các luật bằng việc sớm ban hành nghị định về định giá đất hay tháo gỡ quỹ đất đang vướng mắc.
Về việc tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại việc triển khai gói ưu đãi và lập kế hoạch, tạm cấp bù, quyết toán cấp bù lãi suất thực hiện cho vay nhà ở xã hội.
“Mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội mới là dự án thí điểm, cần hoàn thành sớm cơ chế chính sách, xác định khó khăn để hoàn thành mục tiêu lớn hơn”, Phó thủ tướng nói.
Ngọc Diễm