Hoàn thành kiểm tra hơn 3.000 nhà trọ
Theo UBND quận Cầu Giấy, thực hiện chỉ đạo tại công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, UBND các phường phối hợp cùng công an quận đã thành lập 40 tổ công tác hoàn thành việc tổng rà soát, kiểm tra 100% nhà trọ với hơn 3.000 cơ sở trên địa bàn về cháy nổ.
Qua kiểm tra, các tổ công tác đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức hướng dẫn, đôn đốc 100% cơ sở hoàn thành việc khắc phục các giải pháp trước mắt như mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, chuẩn bị công cụ phá dỡ phù hợp nhằm hạn chế cháy, nổ,… đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Trong đó, kiến nghị rõ thời gian phải hoàn thành và yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ gia đình cam kết thực hiện. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, yêu cầu tạm ngừng, ngừng hoạt động,… UBND quận cho biết đã đề nghị Công ty Điện lực Cầu Giấy rà soát các hợp đồng cung cấp điện đối với các đơn vị, doanh nghiệp, có phương án xem xét tạm dừng cung cấp điện, giảm cung cấp điện theo quy định của pháp luật.
Không chỉ nhà trọ, Cầu Giấy cũng đã giao công an quận chủ trì tiếp tục thực hiện rà soát, kiểm tra các dự án chung cư, chung cư mini, nhà trẻ, trường mẫu giáo, bệnh viện, phòng khám tư nhân, tổ chức sự kiện, công trình xây dựng không phép, trái phép… Việc kiểm tra phải hoàn thành trước ngày 14/7.
Đề nghị ‘cấm cửa’ chủ đầu tư chây ỳ khắc phục vi phạm PCCC
Sau vụ cháy nhà trọ tại phố Trung Kính làm 14 người chết, UBND quận Cầu Giấy đã công khai danh sách 78 công trình không đảm bảo các điều kiện về PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Ngoài quán karaoke, quán massage, nhà hỗn hợp, nhà nghỉ, khách sạn, nhà cho thuê để ở, nhà hàng, quán cà phê, quán bar, nhà ở kết hợp kinh doanh, căn hộ cho thuê, khách sạn, còn có nhiều chung cư cao cấp.
Đáng chú ý, CTCP Bất động sản Toàn Cầu (GP-Invest) có tới hai dự án không đảm bảo các điều kiện về PCCC bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tại Cầu Giấy là tòa The Nine tại số 9 Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch) và Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô).
Thế nhưng, ghi nhận thực tế của PV tại nhiều tòa nhà, cơ sở kinh doanh karaoke, hộ kinh doanh trong những ngày qua cho thấy vẫn là cảnh nhộn nhịp người ra vào như chưa hề có lệnh đình chỉ và tạm đình chỉ hoạt động của UBND quận.
Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông, cho hay, về nguyên tắc, công trình khi đã có quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ thì phải dừng hoạt động. Nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục sử dụng công trình thì cơ quan quản lý phải yêu cầu cơ quan liên quan ngừng cung cấp điện, nước.
“Công trình vi phạm PCCC vẫn nhộn nhịp hoạt động bất chấp lệnh đình chỉ thì rõ ràng cần phải xem lại khâu quản lý. Đã kiểm tra, phát hiện vi phạm, có cơ chế pháp luật để xử lý thì không có lý do gì không thực hiện được. Không thể phạt cho tồn tại hay làm ngơ, bởi đây là vấn đề an toàn tính mạng con người.
Đừng để việc kiểm tra chỉ dừng lại ở những con số báo cáo, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ nằm trên giấy mà cần phải thực thi rất quyết liệt. Rõ ràng vấn đề thực thi nằm trong tay cơ quan quản lý và có cơ chế để thực hiện. Nếu làm quyết liệt thì sẽ đẩy lùi được những vụ việc thương tâm như thời gian qua” – luật sư Toại nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư, đối với chủ đầu tư có những vi phạm vẫn tiếp tục cho cư dân vào ở, liên tục vi phạm ở nhiều công trình, cơ quan quản lý nên công khai rộng rãi.
Ngoài ra, có thể đưa vào “danh sách đen” không cho tham gia dự án mới khi chưa khắc phục xong các vi phạm tại dự án cũ.
“Thực tế có rất nhiều biện pháp để cảnh báo người dân về công trình không đảm bảo PCCC, đơn giản như dán biển cảnh báo công khai. Vấn đề ở đây là có quyết liệt làm hay không. Trách nhiệm cũng cần chỉ rõ, không chỉ đối với chủ đầu tư mà cả của cơ quan quản lý gắn với trách nhiệm trực tiếp, cụ thể của cán bộ địa bàn trong việc thực thi đúng pháp luật” – luật sư Toại nói.