Treo chuông gió trước cửa là hình ảnh rất quen thuộc, chúng xuất hiện ở nhiều ngôi nhà, cũng như cửa hàng, nhà hàng, văn phòng, chùa,… Ngoài tác dụng trang trí, tạo tiếng kêu thú vị cho không gian, chuông gió còn mang trong mình tác dụng phong thủy đặc biệt.
Những lưu ý khi treo chuông gió
– Không chọn loại chuông gió có ngũ hành theo mệnh gia chủ. Đây là quan niệm sai lầm nhưng nhiều người vẫn mắc phải. Chuông gió nói riêng hay vật phẩm phong thủy nói chung đều phải dựa vào tính chất tốt xấu và ngũ hành của vị trí đặt thì mới phát huy hiệu quả.
– Chuông gió luôn phải được đặt ở vị trí sáng sủa, đón được gió như cửa đi, cửa sổ.
– Không đặt chuông gió ở nơi kín gió, ẩm thấp, bẩn vì dễ tích tụ năng lượng xấu.
– Không đặt chuông gió ở phòng ngủ, vì nơi này cần sự yên tĩnh.
– Không treo chuông gió trong phòng bếp, vì sẽ làm tăng thêm năng lượng hỏa khí.
– Đối với trường hợp hóa giải phong thủy xấu bằng chuông gió, bạn cần sự tư vấn từ các chuyên gia phong thủy, để có cách sử dụng phù hợp. Do chuông gió có tính chất lan tỏa năng lượng, nên khi gặp năng lượng xấu, cần phải biết điều tiết để cái xấu không mạnh thêm.
Chuông gió có rất nhiều chất liệu, hình dáng, được chia thành 5 loại ngũ hành
– Ngũ hành Kim: là loại chuông gió được sử dụng phổ biến nhất, có cấu tạo từ những ống kim loại dài hoặc hình thù bất kì làm bằng chất liệu: đồng, nhôm, bạc, thép… Chuông gió kim loại có tiếng vang ngân xa, thanh. Có một số quan niệm cho rằng số ống kim loại phải là 5,6,8, tuy nhiên điều này không quan trọng.
– Ngũ hành Mộc: gỗ, tre, nứa. Đây là loại chuông gió rất gần gũi, mộc mạc, với tiếng vang trầm hơn chuông gió kim loại.
– Ngũ hành Thổ: đá, gốm sứ, đất nung. Loại chuông gió này có rất nhiều hình thù và màu sắc trang trí đa dạng, bởi sự sáng tạo của các nghệ nhân.
– Ngũ hành Thủy: dễ thấy nhất là chuông gió Furin nổi tiếng ở Nhật Bản. “Fu” là “gió” còn “Rin” là “chuông”. Furin có chất liệu thủy tinh, có nhiều hình dáng và kích cỡ, nhưng chủ yếu là hình tròn, có một lưỡi treo gắn vào trung tâm của chuông, để phát ra âm thanh mỗi khi chuông chuyển động. Phần dưới lưỡi treo được gắn một tấm giấy để ghi những điều ước, đồng thời tô điểm thêm cho chiếc chuông vẻ uyển chuyển nhẹ nhàng cùng thanh âm trong trẻo mỗi khi phát ra.
– Ngũ hành Hỏa: chuông gió có gắn đèn led, dùng năng lượng mặt trời để phát sáng về đêm. Đây là loại chuông gió hiện đại hơn so với các thể loại khác. Thay vì trước kia ta thường dùng đèn lồng đỏ trước cửa để tăng cường ngũ hành hỏa cho ngôi nhà, thì giờ đây đã có nhiều sự lựa chọn hơn nhờ chuông gió này.
Về phong thủy, chuông gió có 2 chức năng chính
Hóa giải phong thủy xấu và kích hoạt phong thủy tốt. Khi gặp gió, chuông sẽ phát ra tiếng kêu, từ đó sinh ra năng lượng các ngũ hành tương ứng với chất liệu của chuông. Ngũ hành được sinh ra từ chuông sẽ gặp và tương tác với ngũ hành của dòng khí vào trước cửa, có thể sẽ làm khí trước cửa mạnh thêm, cũng có thể làm khí ở cửa yếu đi.
+ Nếu khí vào nhà là khí tốt, thì cần chọn chuông gió có ngũ hành hỗ trợ với ngũ hành khí tốt mạnh thêm, đây chính là kích hoạt phong thủy tốt.
Ví dụ: phía trước nhà là Du Niên Sinh Khí, có sao Tham Lang, ngũ hành thuộc Mộc. Đây là sao tốt, đem đến nhiều điều may mắn, phát triển. Vậy nên, ta cần dùng chuông gió bằng gỗ, tre, nứa,… có ngũ hành Mộc hoặc chuông gió furin có ngũ hành Thủy, để bổ trợ thêm cho sao Tham Lang mạnh hơn.
+ Nếu khí vào nhà là khí xấu, thì cần chọn chuông gió có ngũ hành làm suy yếu ngũ hành khí xấu, đây chính là hóa giải phong thủy xấu.
Ví dụ: phía trước nhà là sao số 5 (Ngũ Hoàng Đại Sát), là sao xấu trong phong thủy Huyền Không, có ngũ hành thuộc Thổ. Vì sao này đem lại nhiều điều bất lợi nên cần treo chuông gió bằng kim loại, có ngũ hành Kim để Thổ sinh xuất Kim yếu đi, nhờ đó mà cái xấu giảm bớt.