Hơn 60 dự án chậm triển khai
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có tổng chiều dài 112.8km, đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội.
Đoạn qua Hà Nội có chiều dài 57,5km, chạy qua các huyện như Mê Linh, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai.
Riêng đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) có chiều dài khoảng 11,2km, chiếm tỷ lệ 19% toàn tuyến, đi qua địa bàn 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa.
Sau 9 tháng thi công, dự án Vành đai 4 đoạn qua huyện Mê Linh đã cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng với bề rộng 120m, nhiều đoạn tuyến đã lộ diện hình hài.
Ghi nhận quanh đường Vành đai 4 có nhiều dự án lớn như khu đô thị Mê Linh Central, khu đô thị Hà Phong, khu đô thị Quang Minh…
Nhiều dự án tại khu vực này vẫn trong cảnh xây dựng dở dang. Những khu nhà đang hoàn thiện rồi để trống nhiều năm, cỏ mọc um tùm.
Có thể kể đến như dự án CEO Homes Hana Garden City với tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng. Dự án triển khai năm 2008, nhưng sau 15 năm nay vẫn là những hạng mục thi công dở dang, nhiều khu vực bỏ hoang.
Ngoài dự án ra, trên địa bàn huyện Mê Linh, có hơn 60 dự án chậm triển khai ‘ôm’ khoảng 2.000ha.
Năm 2023, liên quan đến 64 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã họp và chỉ đạo quyết liệt hướng xử lý.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Quách Sỹ Dũng, Trưởng phòng Đô thị huyện Mê Linh, cho biết, huyện Mê Linh có hơn 11km đường Vành đai 4 chạy qua, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 141ha, trong đó 120ha đất nông nghiệp, 7ha đất ở.
Theo ông Dũng, phía đông Vành đai 4, đoạn qua huyện Mê Linh đã hình thành các khu đô thị, dự án; đã giao đất cho doanh nghiệp từ thời Mê Linh còn trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, các dự án đang triển khai.
“Mê Linh đang điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng quảng trường, lễ hội, xây dựng thành đô thị hoa”, ông Dũng thông tin.
Bên phía tây Vành đai 4, có khoảng 1.000ha là đất nông nghiệp. Quỹ đất này thành phố đang quy hoạch lấy nguồn lực đầu tư thực hiện dự án Vành đai 4 giai đoạn tiếp theo.
Đất đấu giá không phải là đắt
Ông Quách Sỹ Dũng cho hay, Mê Linh cũng như nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố đang chờ quy hoạch Thủ đô, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu chức năng, sau đó mới hình thành quy hoạch 1/2.000. Huyện định hướng khu vực này phát triển theo hướng thành phố sáng tạo, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistic, phát triển mô hình thành phố sân bay.
“Các vấn đề về quy hoạch huyện thực hiện theo đúng quy định, bài bản. Trong quá trình làm quy hoạch, chúng tôi đã mời các cơ quan ngồi lại, qua nhiều cuộc hội thảo, những gì có thể thống nhất được thì thống nhất luôn, tạo thuận lợi cho triển khai quy hoạch về sau” – ông Dũng nói.
Đón đầu dự án đường Vành đai 4, năm nay, Mê Linh dự kiến đấu giá khoảng 500 thửa đất. Các thửa đất được đánh giá đều là các khu đất nằm ở vị trí đẹp.
Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất sẽ được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển hệ thống kinh tế – xã hội nhằm đáp ứng tiêu chí lên quận sau năm 2025 và lên thành phố trực thuộc Thủ đô sau năm 2030.
Ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh, thông tin, khoảng 500 thửa đất dự kiến đưa ra đấu giá thuộc 4 xã Kim Hoa, Liên Mạc, Tam Đồng và Tráng Việt. Các thửa đất nằm trong quy hoạch điểm cư dân nông thôn, đã giải phóng mặt bằng và được thành phố giao đất.
Đánh giá về việc đất đấu giá có “nóng” khi ăn theo dự án đường Vành đai 4, lãnh đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh chia sẻ, từ thực tế đấu giá đất thời gian qua diễn ra bình thường, không có đột biến.
Theo ông Thức, đất đấu giá tại huyện Mê Linh hiện nay giá khởi điểm khoảng 20-30 triệu/m2, được đánh giá chưa phải là đắt so với các vị trí ở Đông Anh, hay một số nơi khác ở Hà Nội.