Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. 

Bên cạnh những kết quả tích cực, Chính phủ cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế. Trong đó, có việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm tiến độ,…

Một điểm đáng chú ý tại báo cáo này là việc các công ty thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) hiện lỗ gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận âm 144 tỷ đồng. 

Trước đó, trong danh sách các doanh nghiệp sản xuất xi măng có lợi nhuận sau thuế năm 2023 âm, mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) mà Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa ra hồi tháng 4, có nhiều cái tên đáng chú ý như: CTCP Xi măng Bỉm Sơn, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, CTCP Thương mại, dịch vụ, vận tải xi măng Hải Phòng, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai…

Đây là những doanh nghiệp lớn trong ngành xi măng.

Ghi nhận trong quý I/2024, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên, CTCP Xi măng Bỉm Sơn và nhiều tên tuổi lớn nhỏ trong ngành xi măng ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ kéo dài.

Cụ thể, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng.

Tương tự, Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC) ghi nhận doanh thu thuần quý I/2024 đạt 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp kể từ quý III/2022.

Xi măng Vicem Bút Sơn (mã BTS) lỗ hơn 55 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Sản xuất xi măng. Ảnh: TZ

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng vào tháng 3, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó.

Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng tiêu thụ xi măng và clanhke năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022.

Hiệp hội cho rằng, ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài.

Nhận định về nguyên nhân, theo hiệp hội do thị trường tiêu thụ nội địa rất yếu, giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao đặc biệt là giá than.

Ngoài ra, còn do thuế nhập khẩu lanhke tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng lớn.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…

Hé lộ doanh nghiệp muốn mua lại khoản đầu tư trăm tỷ của Xi măng Bỉm SơnCông ty CP Xi măng Bỉm Sơn đề nghị Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho phép triển khai theo quy định của pháp luật thoái toàn bộ vốn và thu hồi công nợ tại Công ty CP Xi măng Miền trung.
Yêu cầu báo cáo Thủ tướng khoản chênh lệch 2.910 tỷ đồng tại VicemVề khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng việc xử lý và nộp khoản tiền chênh lệch 2.910 tỷ đồng của Tổng công ty Vicem, chênh lệch trăm tỷ đồng tại Vicem Hải Phòng.


Nguồn Vietnamnet