Mức phạt trên đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. 

Cụ thể theo dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đề xuất phạt 800 triệu – 1 tỷ đồng với 4 hành vi. 

Thứ nhất, chủ đầu tư không công khai thông tin việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn trong công trình, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh;

Thứ hai, đưa bất động sản vào kinh doanh nhưng không đủ các điều kiện. 

Thứ ba, chuyển nhượng hợp đồng kinh doanh bất động sản thuộc dự án không đảm bảo các điều kiện. 

Thứ tư, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án không đảm bảo đầy đủ các điều kiện. Đối với hành vi này, chủ đầu tư còn bị đình chỉ kinh doanh từ 3 – 6 tháng với dự án có vi phạm.

Ngoài phạt tiền, chủ đầu tư còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh bất động sản từ 3-6 tháng với dự án có vi phạm.

Với hành vi ký kết văn bản huy động vốn, thực hiện huy động vốn cho phát triển nhà ở chưa đủ kiện, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền 600-800 triệu đồng. Nghị định 16 hiện hành không có khung tiền phạt ở mức này.

Ghi nhận trên thực tế, trong những năm qua, có nhiều dự án bất động sản bị chủ đầu tư thế chấp ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà, người dân khốn khổ vì không được cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng). 

Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư không công khai việc thế chấp dự án có thể bị phạt 1 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà

Tại TP.HCM, năm 2023, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), TP có 60 dự án nhà ở được chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng. Trong đó có 41 dự án thế chấp từ năm 2016 – 2023 và nhiều dự án thế chấp từ các năm 2008 – 2011 khiến người mua nhà chưa được cấp sổ hồng.

Có 3 loại hình mà chủ đầu tư các dự án thế chấp gồm: thế chấp quyền sử dụng đất (đất); thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (đất và nhà); thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (nhà trên đất).

Theo quy định, trước khi làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng cho người mua nhà, chủ đầu tư phải giải chấp và nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Sở TN-MT chỉnh lý, chuyển hình thức sử dụng đất sang hình thức sử dụng chung. 

Tuy nhiên, thực tế có những chủ đầu tư không thực hiện xoá thế chấp khiến dự án bị “treo” sổ hồng trong thời gian dài. Như tại dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại, khách sạn tại ô đất HH2 khu đấu giá quyền sử dụng đất phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội (tên thương mại dự án chung cư D’.ElDorado 2).

Nêu tại văn bản trả lời ý kiến của cư dân hồi cuối năm 2023, UBND TP.Hà Nội cho biết, tháng 12/2020, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ về việc thẩm định hồ sơ pháp lý cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà dự án. Nhưng dự án đang bị thế chấp tại ngân hàng. 

Vì vậy, đến tháng 6/2022, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã ban hành thông báo về việc trả hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết do dự án chưa được giải chấp theo quy định.

Giữa năm ngoái, Văn phòng Đăng ký đất đai đã tổ chức cuộc họp cùng Ban quản trị tòa nhà và chủ đầu tư để trao đổi và thống nhất những nội dung trên.

Chủ đầu tư không đề nghị cấp sổ đỏ cho dân có thể bị phạt 600 triệu đồngBộ Xây dựng đề xuất phạt từ 400-600 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án bất động sản không nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người mua, trừ trường hợp người mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
Chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất dự án, cư dân bức xúc vì bị ‘treo’ sổ hồngMột số chủ đầu tư tại TP.HCM đã thế chấp quyền sử dụng đất dự án và sau đó không thực hiện giải chấp để làm thủ tục đề nghị cấp sổ hồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hạng chục ngàn người mua nhà bị ‘treo sổ hồng’.


Nguồn Vietnamnet