“Tiền Chu Tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” là những phương vị được nhắc đến và áp dụng thường xuyên trong phong thủy. Đây là Tứ Tượng, được sử dụng nhiều để kiểm tra địa hình phía trước, sau, trái, phải cho căn nhà hay lô đất. Ngoài ra, việc bố trí bên trong nhà cũng được nhiều người ứng dụng phong thủy Tứ Tượng này.
Tứ Tượng gồm những gì?
– Chu Tước (chim sẻ đỏ) là gò đồi nhỏ hoặc mặt bằng trước nhà, tốt nhất nên ở phương Nam. Chu Tước cần bằng phẳng, thoáng rộng, hoặc ít nhất là thấp hơn đất đằng sau, bên trái và bên phải nhà. Các yếu tố phía trước nhà như sông hồ, đường sá, đều được cho là hình thế Chu Tước đẹp.
– Huyền Vũ (rùa đen) là ngọn núi hoặc tòa nhà phía sau ngôi nhà, tốt nhất nên ở phương Bắc. Địa hình phía sau nhà phải cao hơn phía trước và 2 bên nhà. Khi đó, từ ngoài nhìn vào ngôi nhà sẽ thấy thế dựa vững chắc, an toàn.
– Thanh Long (rồng xanh) là ngọn đồi hoặc tòa nhà phía tay trái ngôi nhà, tốt nhất nên ở phương Đông. Bên trái nhà nên có địa hình cao hơn bên phải nhà, nhưng phải thấp hơn phía sau.
– Bạch Hổ (hổ trắng) là ngọn đồi hoặc tòa nhà phía tay phải ngôi nhà, tốt nhất nên ở phương Tây. Bên phải nhà nên có hình thế thấp hơn bên trái ngôi nhà và phía sau nhà.
Một số lưu ý về Tứ Tượng
Rất dễ nhầm lẫn trong việc xác định vị trí của Thanh Long và Bạch Hổ là phía bên nào. Để biết được điều này, ta cần xác định đối tượng đang xét là gì? Đó chính là ngôi nhà. Vậy nên, ta phải đứng ở trong nhà nhìn ra mặt trước, phía bên tay trái ta là Thanh Long, phía bên tay phải ta là Bạch Hổ, chứ không phải đứng từ ngoài nhà nhìn vào để xác định.
Thanh Long đại diện cho người đàn ông, cần mạnh mẽ, vươn cao. Bạch Hổ đại diện cho người phụ nữ, cần nhẹ nhàng, hạ thấp. Bởi vậy nên địa hình bên Bạch Hổ không nên cao hơn địa hình bên Thanh Long.
Nếu bên phải ngôi nhà mình có gò, đồi, thì bên trái cần có gò đồi cao hơn. Ở kiến trúc hiện đại, gò đồi được thay thế bằng những công trình kiến trúc. Nếu phía bên tay phải có nhà cao hơn phía bên tay trái, theo tỉ lệ khá lớn thì được gọi là thế sát mang tên: “Bạch Hổ Sát”.
Ví dụ như nhà bạn cao 3 tầng, bên trái có nhà cao 4 tầng nhưng bên phải là nhà cao 7 tầng. Sát Bạch Hổ được ví như ngôi nhà cao phía bên tay phải “vồ xuống” ngôi nhà thấp hơn của mình, gây ra nhiều tổn thất. Để hóa giải việc này, có thể đặt hồ lô hóa sát phía bên tay phải, hoặc đặt các linh vật hóa sát ngay trước cửa nhà như: kỳ lân, sư tử, tì hưu,…
Phía bên Bạch Hổ nhất thiết cần sự yên tĩnh, bên ngoài không nên có đường đi hoặc các không gian gây náo động. Tương tự bên trong nhà cũng hạn chế việc liên tục làm động khu vực bên tay phải. Vậy nên một số thầy phong thủy khuyến cáo không nên để hành lang hoặc cầu thang phía bên Bạch Hổ. Ngược lại bên phía Thanh Long, nếu có đường đi, hành lang, cầu thang thì rất tốt.
Rất khó để tìm được ngôi nhà hay lô đất thỏa mãn các nguyên lí của phong thủy Tứ Tượng. Vậy nên người ta thường dùng cách trang trí bằng tranh ảnh, vật phẩm để kích hoạt các phương vị của Tứ Tượng.
Cụ thể: phía trước nhà nên treo tranh hoặc đặt tượng con gà màu đỏ để kích hoạt Chu Tước. Phía sau nhà đặt tranh con rùa, tượng rùa hoặc thậm chí là nuôi 1 con rùa màu đen để kích hoạt Huyền Vũ. Phía bên tay trái ngôi nhà treo tranh hoặc đặt tượng con rồng xanh để kích hoạt Thanh Long. Phía bên tay phải ngôi nhà treo tranh hoặc đặt tượng con hổ trắng để kích hoạt Bạch Hổ.
Phong thủy Tứ Tượng là bộ môn phong thủy hình thế, có ưu điểm là phổ biến, cách áp dụng đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên, vì đơn giản nên chưa có tính chi tiết, chuyên sâu, bởi vậy nên kết quả đem lại chưa thật sự hiệu nghiệm. Có nhiều trường hợp, hình thế xung quanh ngôi nhà đúng như nguyên lí phong thủy Tứ Tượng, nhưng phong thủy không tốt hoặc ngược lại.
Nói tóm lại, để nhận xét địa hình xung quanh ngôi nhà tốt hay xấu, phải kết hợp giữa hình thế và lí khí. Tức ngoài dựa vào những gì nhìn thấy được bên ngoài, còn phải đo được tọa độ ngôi nhà, xem tuổi người ở và nhiều yếu tố khác để kết luận.
*Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo