Dân gian có câu: “Môn đa khách đáo thiên tài đáo, gia hữu nhân lai vạn vật lai”, tức cửa càng rộng thì càng tài lộc, nhà càng nhiều người ghé đến thì càng dễ giàu có. Trong văn hóa kiến trúc Việt Nam xưa và nay, việc thiết kế cổng cửa rộng là điều thường thấy. Thế nhưng, khi cổng và cửa đều mở rộng và trực xung nhau, liệu có gây ảnh hưởng đến phong thủy?
Cổng và cửa ngôi nhà thẳng hàng nhau là trường hợp rất hay gặp phải trong thiết kế nhà ở, đặc biệt đối với nhà phố bề ngang hẹp. Bởi nhà phố chỉ lấy thoáng được phía trước và nhiều trường hợp để ô tô trong nhà, buộc phải mở cửa và cổng rộng tối đa, thẳng hàng nhau.
Nguyên nhân cửa và cổng trực xung là điều kiêng kị
– Lí giải theo hình thế: khi cổng và cửa thẳng hàng, lúc đó đường khí vào nhà sẽ xuyên thẳng từ ngoài vào trong, gây tác động mạnh hơn cần thiết. Nói rõ hơn, điều này chỉ thực sự xấu khi khí trước nhà mạnh và đi thẳng một đường xuyên qua tâm cổng, tâm cửa chính và tâm cửa sau mà không có vật cản. Đặc biệt, nếu trước nhà lại bị đường ngã 3 đường đâm hay nằm giữa khe hở 2 tòa nhà thì mức độ ảnh hưởng càng thêm nghiêm trọng.
– Lí giải theo lí khí: theo trường phái huyền không đại quái, vị trí mở cửa nên ở phương vị chính thần, vị trí mở cổng nên ở phương vị linh thần và kết hợp nhau thành cặp Tiên Thiên. Như vậy, khí vào cổng và vào cửa là 2 khí hoàn toàn khác nhau và bổ trợ cho nhau để đạt được sự cân bằng về phong thủy. Khi cửa, cổng thẳng hàng và thẳng với tâm nhà thì khí vào nhà chỉ là một khí. Như vậy hoặc khí vào nhà sẽ cực suy, hoặc khí vào nhà sẽ cực vượng, sẽ mất đi tính cân đối.
Thế nhưng, không phải lúc nào cổng và cửa trực đối nhau cũng là xấu. Ví dụ:
– Nhà trong hẻm cụt, hẻm nhỏ, trước mặt là nhà hàng xóm. Đối với trường hợp này, luồng khí vào nhà yếu, vậy nên sát khí vào nhà nếu cổng và cửa thẳng hàng cũng không quá đáng ngại.
– Phong thủy có câu: “Trực lai trực khứ tổn nhân đinh”, nếu đường khí vào nhà và đường khí ra trực xung nhau, hay còn gọi là thế “Xuyên Tâm Sát”, thì gây tổn hại cho người sử dụng. Thế nhưng, nếu cửa và cổng đối nhau, mà đường khí bị ngăn bởi tường, vách, bình phong,… khí không đi xuyên mạnh qua tâm và không thông thẳng ra sau nhà, thì không có vấn đề gì.
Cách hóa giải khi cổng và cửa trực xung nhau
– Cách hóa giải tốt nhất là điều chỉnh vị trí mở cổng hoặc mở cửa để tránh trực xung nhau. Trường hợp nếu không thay đổi vị trí cửa hoặc cổng hiện trạng, có thể mở thêm cổng, cửa ở vị trí khác và đi thường xuyên lối này. Đối với cách này, cần lưu ý vị trí mở cổng hoặc cửa phải đều đón khí tốt và tránh bị tạp khí.
– Người đi thì khí theo, khi không thay đổi được vị trí mở cửa hoặc mở cổng, thì có thể tạo đường đi cong, uốn lượn từ sân vào nhà, chứ không đi đường thẳng. Điều này vừa có tác dụng hóa giải phong thủy, vừa tạo cảnh quan thơ mộng cho sân vườn.
– Trồng cây xanh hoặc tạo hồ nước giữa đường nối cổng và cửa nếu sân đủ rộng. Cây xanh có tác dụng làm tán khí, giúp luồng khí không còn xung sát vào cửa. Mặt nước giúp khí từ cổng tụ lại, hạn chế xộc thẳng vào nhà.
– Tạo Huyền Quan, hay còn gọi là tiền sảnh. Không gian này là phòng đệm, là nơi kết nối giữa trong và ngoài nhà. Tại đây, người ta thường đặt kệ tủ, chậu cây trang trí, tác phẩm nghệ thuật,…Về phong thủy, những vật dụng này đều có tác dụng làm khí tán ra, không đi xuyên vào nhà.
– Cổng và cửa thẳng hàng nhau chỉ xấu khi khí đi thẳng từ trước ra sau nhà. Vậy nên chỉ cần đặt vật cản, ngăn luồng khí đó lại là hóa giải được. Có thể treo rèm cửa, đèn chùm hoặc đặt vật dụng nội thất, vách trang trí,…để xử lí trường hợp này. Không nhất thiết phải xây tường kín để hóa giải, vì sẽ làm mất đi tính thông thoáng của không gian.
– Đặt vật phẩm phong thủy hóa sát cũng là 1 cách có thể tham khảo, khi những cách làm trên không thực hiện được.