Trong bối cảnh thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam dần có những dấu hiệu hồi phục, các chuyên gia, chủ doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhận định rằng, dù có khởi sắc nhưng khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển. 

Từ sự gia tăng thanh khoản ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền, đến những vấn đề pháp lý và thuế, thị trường vẫn đang trên con đường gập ghềnh để tìm lại sự ổn định.

Hồi phục nhưng chưa thể bứt phá

Trong buổi toạ đàm ‘Nhận diện thị trường Bất động sản cuối năm 2024, đầu năm 2025’ do báo Người Lao Động tổ chức ngày 10/10, ông Võ Hồng Thắng, Phó TGĐ Công ty DKRA Việt Nam, đã có những chia sẻ cho thấy thị trường BĐS đã có dấu hiệu tích cực trong quý III năm nay. Theo đó, đã có 18.000 sản phẩm đã được đưa ra thị trường, sản lượng tiêu thụ cũng tăng đáng kể ở phân khúc nhà ở vừa túi tiền. 

Ông Võ Hồng Thắng, Phó TGĐ Công ty DKRA Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm

Đặc biệt, tại TPHCM, căn hộ có giá dưới 60 triệu đồng/m² và đất nền tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương với mức giá khoảng 30 triệu đồng/m² đang được quan tâm nhiều. Phân khúc căn hộ thứ cấp cũng ghi nhận sự sôi động, khi giá giao dịch tăng từ 5-9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, ông Thắng cho biết, thị trường đất nền đã cung cấp hơn 9.000 sản phẩm trong quý III, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Ông cũng dự báo, “Đất nền có pháp lý rõ ràng và đất thổ cư tại các khu đô thị có dân cư hiện hữu sẽ tiếp tục khan hiếm, với tỷ lệ tiêu thụ tăng hơn 30%”.

Tuy nhiên, những con số tích cực này không che giấu hết khó khăn. Phó TGĐ Công ty DKRA Việt Nam thừa nhận rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn gặp nhiều trở ngại do các cam kết lợi nhuận trước đây bị đổ vỡ, cộng với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và tranh chấp pháp lý. “Phân khúc này cần thêm thời gian để khắc phục và ổn định trở lại”, ông Thắng nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản TPHCM đã thoát khỏi vùng đáy khó khăn nhất, nhưng vẫn đối diện nhiều thử thách. 

ong le hoang chau 1.jpg
Ông Lê Hoàng Châu (áo trắng), Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường đã có mức tăng trưởng khoảng 6-7%, cho thấy sự phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở vẫn còn rất hạn chế, với chỉ 9 dự án mới được chấp thuận trong 8 tháng đầu năm và hầu hết là các dự án nhỏ. Ông Châu cho biết thêm: “Quy mô các dự án rất nhỏ, lớn nhất chỉ đạt 5 ha”.

Một vấn đề nổi cộm là giá nhà tăng mạnh, khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Theo ông Châu, “Giá nhà đã tăng từ 15-20% do quy luật cung cầu, trong khi nguồn cung khan hiếm”. Ông cũng đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn cho người lao động thông qua khảo sát và điều chỉnh quy định về nhà trọ trong Luật Nhà ở.

Nhà đầu tư nước ngoài khó khăn trong việc tiếp cận BĐS ở thành phố lớn

Trong buổi toạ đàm, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương (Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam), thẳng thắng chia sẻ góc nhìn về các nhà đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường bất động sản tại các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội. 

Ông cho biết, “Thị trường dành cho nhà đầu tư nước ngoài rất lớn nhưng cũng rất khó tiếp cận, ngoại trừ những dự án đã hoàn thiện pháp lý 5-7 năm trước”.

ong su ngoc khuong 3.jpg
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam

Dù các nhà đầu tư quốc tế vẫn rất quan tâm đến phân khúc bất động sản công nghiệp, ông Khương nhận định rằng: “Hiện nay, cơ hội cho họ ở phân khúc nhà ở không nhiều. Những trở ngại về pháp lý và việc tiếp cận quỹ đất đã làm chậm tốc độ đầu tư, khiến họ phải chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như phát triển hạ tầng và khu công nghiệp”.

Dù vậy, nhiều chuyên gia đầu ngành vẫn có những nhận định tích cực về tương lai dài hạn, chỉ ra nhiều động lực thúc đẩy thị trường BĐS trong tương lai. Ông Phạm Lâm, Phó CT Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, chính sách minh bạch, sự phát triển hạ tầng, nguồn vốn mới, tín dụng ổn định và tính thanh khoản cao,… sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy thị trường.

“Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc triển khai các dự án hạ tầng, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và Nam. Các cơ sở hạ tầng sẽ là yếu tố quan trọng giúp các khu vực liên kết chặt chẽ, thúc đẩy thị trường BĐS”, ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

Hiện tại, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng để phát triển bền vững, cần sự ổn định về kinh tế vĩ mô, sự phục hồi lòng tin của khách hàng và giải quyết các vướng mắc pháp lý. Chính quyền TPHCM và cả nước đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho ngành này, cũng là nhằm hỗ trợ phát triển nhiều ngành nghề liên quan.


Nguồn Vietnamnet