Nhận định trên được bà Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng Đăng ký đất đai, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết tại Hội nghị Đối thoại “Tuyên truyền, phổ biến, thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản” ngày 15/10.
Cởi mở với doanh nghiệp bất động sản
Nêu lên những điểm mới về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, bà Thịnh nhấn mạnh về các các phương thức tiếp cận đất đai bao gồm: được Nhà nước giao đất/cho thuê đất; đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất (khoản 4 Điều 127).
“Theo Luật Đất đai cũ, có những dự án đầu tư không thể thoả thuận hết 100% diện tích đất của hộ gia đình để làm dự án, luật mới đã cho phép hộ cá nhân không được cấp giấy chứng nhận vẫn được chuyển nhượng cho doanh nghiệp nhưng phải đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận. Đây là những nội dung đáng kể trong việc cải cách hành chính trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp bất động sản”, bà Thịnh nói.
Ngoài ra, về đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu/biến động đất đai, Luật Đất đai 2024 quy định, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu có kết quả trong không quá 20 ngày làm việc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) lần đầu không quá 3 ngày làm việc.
“Đáng chú ý, Nghị định hướng dẫn thi hành luật đã nêu trường hợp chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản có nhu cầu thực hiện nộp cùng lúc nhiều hồ sơ đăng ký, cấp sổ đỏ thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhưng bảo đảm không lớn hơn thời gian giải quyết đối với từng thủ tục cho từng hồ sơ”, bà Thịnh cho biết.
Một điểm mới khác là các thủ tục hành chính được rút ngắn rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, luật mới có quy định, cơ quan người có thẩm quyền có thể yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận tài sản của người thuộc đối tượng phải thi hành án.
“Điều đó cho thấy, thủ tục hành chính rất minh bạch để bảo vệ cho người thi hành quy định tại địa phương, để họ yên tâm làm việc”, vị Trưởng phòng Đăng ký đất đai nhấn mạnh.
Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực
Trao đổi tại hội thảo, doanh nghiệp cho hay, một số địa phương chấp thuận dự án đầu tư có sử dụng đất lên đến hàng nghìn ha, tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, như thế chỉ có một vài doanh nghiệp đủ năng lực để tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Như vậy có hạn chế quyền tham gia của các doanh nghiệp nhỏ hơn thông qua “giải pháp kỹ thuật”?
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, quy mô doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vừa và nhỏ nên phải tính đến năng lực tương lai của doanh nghiệp với quy mô lớn hơn.
“Chính sách này của Luật Đất đai, cũng như quy định của Luật Kinh doanh bất động sản cấm phân lô tại đô thị loại III, thì doanh nghiệp phải nâng cao năng lực, không thể kéo dài thời gian khi chỉ thực hiện dự án vài ha. Đây không phải rào cản, mà là động lực để doanh nghiệp thay đổi, phát triển hơn”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, đây không phải là rào cản chính sách, vì mục tiêu chính sách là hỗ trợ, không phải ngăn cản doanh nghiệp này, hỗ trợ doanh nghiệp kia.
Ông Hiếu cũng cho biết, có nhiều địa phương cấp huyện còn chậm chạp và đang loay hoay mày mò về Luật Đất đai, do đó, đề nghị Bộ TN-MT cử cán bộ xuống địa phương để hướng dẫn hoặc tổ chức các buổi tập huấn với cán bộ huyện về thi hành Luật Đất đai.
“Những dự án đang triển khai dở dang, huyện mà chấp thuận lại chủ trương đầu tư, e rằng sẽ khó. Phương án thay thế có thể là thu hồi bồi thường tái định cư theo phân kỳ, tiến độ phù hợp với chủ trương đầu tư. Điều này hoàn toàn có căn cứ trong luật”, ông Hiếu nói.