Vào khoảng 4h30 giờ sáng 24/7, căn biệt thự có diện tích hơn 160m2 tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai bất ngờ bị đổ sập. Được biết, căn biệt thự được xây vào tháng 5/2021 với phần lưng dựa vào vách đồi, chi phí khoảng 3 tỷ đồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, ThS. KTS Cao Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây Dựng & Đầu tư ACA, nhận định có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến biệt thự này bị sập.
Theo ông Hoàng Anh, xét về nguyên nhân khách quan, sau nhiều ngày mưa lớn tạo ra dòng chảy trên mặt đất và áp lực của nước ngầm tồn tại trong các lỗ rỗng của đất làm cấu trúc ổn định cơ học ban đầu của đất bị ảnh hưởng.
Mưa lớn cũng làm tăng độ ẩm của đất, độ chặt giảm, từ đó làm cho sức chống cắt của đất giảm mạnh, độ bền của đất bị giảm, giảm ma sát, tăng lực gây trượt….
“Tất cả nguyên nhân trên thúc đẩy quá trình khối đất sườn đồi bị trượt, sạt lở, gây ra hiện tượng nhà bị “trượt”, sập nhà” – ông Hoàng Anh nói.
Bên cạnh đó, vị giám đốc cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan trong quá trình khảo sát, gia cố nền, vật liệu thi công…
Ông đánh giá, thông thường nhà dân dụng có quy mô nhỏ, kỹ sư thiết kế có thể không đánh giá đúng mức địa chất công trình, hoặc thiết kế trên nền đất giả định theo kinh nghiệm. Từ đó sai sót khi đưa ra giải pháp gia cố nền đất, tính toán kết cấu móng trong điều kiện nền đất dốc dễ bị trượt, sạt lở.
Một vấn đề khác cần xem xét là việc công trình xây dựng không được gia cố nền đất hoặc giải pháp gia cố nền đất không đảm bảo, kết cấu móng bị đặt trên nền đất yếu…
“Cũng có thể giải pháp móng không đủ khả năng chịu lực, bị lún quá mức, tải trọng móng không đều, lệch tâm gây sập toàn bộ kết cấu khi bị tác động ngoại lực” – ông Hoàng Anh phân tích.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân liên quan đến thi công vật liệu không đạt yêu cầu, thi công không đúng thiết kế bố trí thép cấu tạo, thép chịu lực không đúng số lượng, kích thước làm yếu kết cấu công trình.
Gia cố nền đất và thiết kế móng phù hợp
Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, ThS. KTS Cao Hoàng Anh cho rằng, việc xây dựng các nhà ở riêng lẻ ở Việt Nam hiện chưa chú trọng đến đánh giá địa chất nền đất xây dựng.
Vì vậy, theo ông Hoàng Anh, các cơ quan quản lý cần thông tin về bản đồ địa chất khu vực nền đất dốc dễ bị sạt lở, cảnh báo khu vực nền đất dễ bị sạt lở khi có thiên tai, đề xuất sử dụng các loại móng phù hợp với từng điều kiện nền đất.
“Không chọn xây nhà tại vị trí trên nền đất yếu, dưới chân đồi, chân dốc bị cảnh báo sạt lở. Nếu bắt buộc xây dựng công trình tại nền đất có nguy cơ sạt lở, kỹ sư thiết kế cần chú ý khảo sát kỹ địa chất. Từ đó đưa ra biện pháp gia cố nền đất và giải pháp thiết kế móng phù hợp”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Từ góc độ chuyên môn, vị KTS đưa ra một số biện pháp gia cố cho công trình tránh tình trạng nhà bị “trượt” như: gia cố mái dốc bằng công nghệ thi công đinh đất, neo đất, cọc micro pile nhằm khắc phục các cung trượt sâu mái taluy…
“Gia cố mái dốc bằng công nghệ giữ ổn định bề mặt bao gồm các công nghệ như phun vẩy bê tông kết hợp lưới thép, sử dụng ô lưới địa kỹ thuật, sử dụng lưới lập thể trồng cỏ, sử dụng bao sinh thái.
Sau khi gia cố mái dốc phải bố trí hệ thống thoát nước bề mặt và thoát nước ngầm cho mái dốc bằng các biện pháp bố trí rãnh thu nước, thoát nước, khoan thoát nước ngầm…”, ông Hoàng Anh khuyến cáo.
Ngoài ra, chọn phương án ép cọc bê tông cắm sâu xuống nền đất tốt sẽ làm tăng khả năng chịu lực cho móng, nhằm mục đích chống sụt lún, đảm bảo kết cấu vững chắc cho công trình.