Ghi nhận trên thị trường chung cư Hà Nội, chỉ trong một năm qua, nhiều dự án chung cư đã tăng giá khoảng 10 triệu đồng/m2. Như vậy, mỗi căn chung cư tăng giá hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng.

Sau thời gian tăng nóng, chung cư tại Hà Nội đã thiết lập mặt bằng giá mới ở mức cao. Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, tính đến quý I/2024, giá chung cư Hà Nội đã tăng 21 quý liên tiếp, hiện giá trung bình khoảng 59 triệu đồng/m2.

Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là các gia đình trẻ rơi vào thế khó khi có nhu cầu an cư nhưng khả năng tài chính lại không theo kịp tốc độ tăng giá nhà. Không đủ khả năng để sở hữu căn hộ chung cư đầy đủ pháp lý, họ chấp nhận phương án rủi ro là mua chung cư chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng).

Chị Hồng Ngọc (32 tuổi, Nam Định) cho biết, vợ chồng chị đã dành dụm nhiều năm để mua nhà nhưng giá chung cư liên tục tăng cao. Như căn hộ chung cư 55m2 gia đình chị đang thuê ở Hà Đông, dự án đã đưa vào sử dụng nhiều năm song giá rao bán hiện đã 2,5 tỷ đồng. Dù ưng ý do ở lâu, quen thuộc địa lý và tiện lợi đi làm, nhưng giá cả lại vượt qua khả năng tài chính của vợ chồng chị.

“Tài chính không cho phép nên vợ chồng tôi đang chuyển hướng tìm mua căn hộ chưa có sổ trong cùng khu vực. Các căn này cùng diện tích nhưng giá thường mềm hơn rất nhiều. Hiện chúng tôi đang cân nhắc một căn được chủ nhà rao bán giá 1,6 tỷ”, chị Ngọc nói.

Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng khi mua chung cư chưa có sổ hồng. Ảnh: Hồng Khanh

Câu chuyện của chị Ngọc không phải là cá biệt. Do tài chính hạn hẹp nhưng vẫn muốn sớm có chốn an cư, nhiều người chấp nhận rủi ro pháp lý để mua căn hộ chưa có sổ, vì giá rẻ hơn mặt bằng chung của khu vực.

Anh Hoàng Tùng (35 tuổi), cư dân một chung cư chưa có sổ tại quận Hà Đông, cho biết, trong vòng 1 năm qua, anh thường xuyên nhận được các cuộc gọi của môi giới hỏi có bán nhà không. Điều này cho thấy nhu cầu mua chung cư, dù là căn hộ không sổ hồng vẫn cao.

Căn hộ đang ở 56m2 được vợ chồng anh Tùng mua từ năm 2016 với giá 19 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư chỉ bàn giao thô, gia đình phải tự hoàn thiện. Do chung cư chậm tiến độ, đến năm 2020 gia đình anh mới chuyển về đây ở. 

Hiện cả tòa chung cư chưa ra được sổ hồng do chủ đầu tư vi phạm, chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện chưa ổn định.

“Vì chưa có sổ nên giá căn hộ ở đây tăng ít so với các tòa đầy đủ pháp lý trong cùng khu vực. Từ cuối năm ngoái đến nay, các căn có sổ ở quanh đây giá tăng từ 30 triệu/m2 lên tới 40-45 triệu/m2. Còn tòa chung cư này giá năm ngoái khoảng 27-28 triệu/m2, giá hiện nay mới là 30-32 triệu/m2”, anh Tùng nói.

Anh Tùng tính toán, căn hộ của gia đình anh nếu bán thì giá khoảng 1,7 tỷ. “Đây là mức giá rẻ nếu so với các căn đủ pháp lý trong khu vực, phù hợp với tài chính của nhiều gia đình trẻ. Thế nên không khó hiểu khi nhiều người vẫn có nhu cầu mua”, anh Tùng chia sẻ.

Thận trọng khi xuống tiền

Đánh giá về lựa chọn chung cư không sổ hồng, ông Nguyễn Đông, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hoàng Mai cho rằng, do sự thiếu hụt về nguồn cung, đặc biệt là căn hộ vừa túi tiền nên những người có tài chính eo hẹp vẫn chấp nhận rủi ro để mua căn hộ loại này. 

“Khi những dự án chung cư mới giá 30 triệu đồng/m2 gần như “biến mất” khỏi thị trường thì các căn hộ tại một số dự án chung cư chưa có sổ hồng đang được rao bán với mức giá thấp hơn hàng trăm triệu đồng so với những căn có pháp lý đầy đủ cùng khu vực. Dù có những rủi ro về pháp lý nhưng các căn chung cư không sổ hồng có giá rẻ cũng rất dễ bán lại nên các căn hộ này vẫn được nhiều người mua nhà quan tâm”, ông Đông nhìn nhận.

Chung cư chưa có sổ hồng vẫn được phép mua bán bằng hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán chung cư thương mại. Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý, việc mua chung cư chưa có sổ hồng tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Rủi ro lớn nhất là người mua không được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp căn hộ, khi xảy ra các tranh chấp liên quan đến tài sản này thì sẽ không được pháp luật bảo vệ. 

Bên cạnh đó, trong thời gian chưa có sổ hồng, người mua cũng không thể vay tiền ngân hàng bằng cách thế chấp căn hộ. Do đó, trước khi quyết định mua chung cư không sổ hồng, người mua cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Để xem xét có nên mua chung cư chưa có sổ hồng không, theo ông Đông, trước hết người mua cần phải xem xét nguyên nhân vì sao lại có trình trạng này. Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, nếu chung cư thuộc các đối tượng chưa có sổ hồng mà được mua bán thì hoàn toàn có thể mua bán bình thường.

Còn trong trường hợp vì các nguyên nhân khác và tiềm ẩn các rủi ro cao có thể xảy ra, người mua nên xem xét kỹ và quyết định thận trọng việc có nên mua chung cư đó hay không.

Căn hộ chung cư Hà Nội giảm giá 300 triệu đồng, có nên xuống tiền ‘chốt đơn’?Sau đợt “sốt nóng”, mức độ quan tâm đã giảm nhưng giá chung cư vẫn neo ở mức cao. Nên xuống tiền thời điểm này hay tiếp tục chờ đợi?
Trầy trật rao bán căn hộ, cơn sốt chung cư hạ nhiệt hết thời ‘ngáo giá’?Rao bán căn chung cư cả tháng chưa có khách mua khiến chủ nhà tính giảm giá. Giá rao bán chung cư Hà Nội có xu hướng giảm sau đà tăng nóng.


Nguồn Vietnamnet