Thông tin trên được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng.
Như vậy, đến nay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 0,53%.
Cụ thể, Ngân hàng BIDV đã giải ngân 95,7 tỷ đồng cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương; Vietinbank đã giải ngân 128,6 tỷ đồng cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang; Agribank đã giải ngân 415,7 tỷ đồng cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Như vậy, gói tín dụng được nâng lên là 125.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc giải ngân gói tín dụng trên còn chậm.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Lý giải về thực trạng trên, Bộ Xây dựng cho rằng, gói tín dụng còn gặp phải khó khăn vướng mắc; trong đó có việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế.
Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô hơn 114.900 căn, được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng, như không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà, nhưng Bộ Xây dựng nhận xét mức lãi suất này còn cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.
Trước thực tế trên, cuối tháng 4, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Theo đó, một số điều kiện đã được lược bỏ như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng để tháo gỡ khó khăn, các chủ đầu tư dự án sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với các ngân hàng.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho bình quân trung dài hạn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ; định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại.
Từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần đối với chủ đầu tư và người mua nhà, lần lượt từ mức 8,5%/năm và 8%/năm (từ 1/4/2023) xuống còn 8,2%/năm và 7,7%/năm (từ 1/7/2023); tiếp tục giảm xuống 8%/năm và 7,5%/năm kể từ 1/1/2024.
Về thời gian hỗ trợ, đối với chủ đầu tư là 3 năm, đối với người mua nhà là 5 năm từ ngày giải ngân.