Quan niệm bếp “Tọa Hung Hướng Cát” là quan niệm rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều cuốn sách, nhiều website về phong thủy. Tọa Hung có nghĩa là tọa vào phương vị xấu, để hỏa khí của bếp đốt đi cái không tốt, nhìn về cái tốt, tức nhìn “Hướng Cát”. Thế nhưng, quan niệm cũ này liệu có còn đúng với căn bếp hiện đại không?
Nguyên nhân bếp “Tọa Hung Hướng Cát” như cách lí giải trên, là quan điểm thường thấy, nhưng quan điểm này chưa thể hiện hết được tính chất của căn bếp, thay đổi theo từng thời kì.
Theo các chuyên gia phong thủy, bếp nhìn về “hướng cát” là hoàn toàn phù hợp. “Hướng cát” không chỉ là nhìn về hướng tốt của gia chủ, mà là còn nhìn về hướng sao tốt, để đón cát khí vào căn nhà. Tuy nhiên, quan điểm bếp “tọa hung” hiện không còn phù hợp với căn bếp ngày nay.
Sở dĩ người ta cho rằng bếp phải tọa hung, là vì trước kia bếp không sạch sẽ. Bếp nấu nướng bằng rơm, rạ, than, củi,…nên có khói, bụi, tỏa nhiệt nhiều. Chưa kể việc sơ chế hay khu rửa thường được thao tác ở sàn nước, khiến cho nơi này không mấy gọn gàng.
Vì vậy căn bếp xưa thường đưa ra nhà phụ, hoặc nếu không đưa bếp ra khỏi nhà, thì bếp cũng chỉ được đặt phía sau nhà, không để bếp gần cửa chính hay đặt chung với phòng khách.
Nhìn chung khi bếp bẩn, thì sẽ phải đặt ở ngoài nhà, còn nếu đặt trong nhà, thì phải đặt ở phương vị xấu, để lấy độc trị độc, dùng hung khí để áp chế cái xấu, nhờ đó sẽ hóa được cát khí.
Tuy nhiên, căn bếp hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với ngày xưa. Cụ thể:
– Căn bếp thường là nơi được đầu tư chi phí nội thất nhiều hơn bất cứ không gian nào trong căn nhà.
– Bếp nấu đa dạng chủng loại: bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại,…không tỏa nhiệt rộng như ngày trước, dễ dàng vệ sinh hơn.
– Các loại máy hút mùi xử lí được khói, mùi, giúp căn bếp được làm sạch đáng kể.
– Chậu rửa đã thay thế dần thói quen dùng sàn nước mỗi khi sơ chế hoặc rửa chén bát, nhờ đó tránh được hình ảnh tạm bợ, ẩm ướt.
– Nhiều thiết bị hiện đại khác: tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên,… , giúp tối ưu việc nấu nướng hơn bao giờ hết.
– Các vật liệu sử dụng trong căn bếp đều rất dễ lau chùi, không bám bẩn.
– Các hệ tủ bếp trên, tủ bếp dưới, giúp mọi thứ không còn bừa bộn.
– Kiến trúc sư khi thiết kế, đã quan tâm đến việc phải đảm bảo thông thoáng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên cho khu bếp, nhờ vậy căn bếp không bị tù túng.
– Công năng sử dụng ở bếp cũng được chú trọng, đúng dây chuyền nấu nướng: từ việc lấy thức ăn ở tủ lạnh, đến bồn rửa để sơ chế, rồi đến bếp để nấu, nấu xong đặt tại bàn soạn trước khi đem ra bàn ăn.
– Đặc biệt là ý thức giữ gìn vệ sinh của người nấu đã được nâng cao. Một căn bếp hiện đại, sẽ khiến ta luôn tạo thói quen dọn dẹp mỗi khi sử dụng.
Nhờ được tính toán khoa học, nên căn bếp trông gọn gàng hơn, tiện nghi hơn. Thế nên, phòng bếp hiện đại thường được thiết kế mở, kết hợp với phòng khách để tăng thêm tính sang trọng, rộng rãi cho không gian. Bếp không phải là nơi che chắn kín đáo, mà là nơi gia chủ luôn tự hào, muốn khoe ra cho những người đến thăm nhà được chiêm ngưỡng.
Bếp là nơi tạo ra nguồn dinh dưỡng, nuôi sống cho cả gia đình. Theo phong thủy chính phái, những yếu tố quan trọng, sạch sẽ, thì phải đặt ở phương vị tốt, vậy bếp phải “tọa cát” chứ không thể nào “tọa hung”.
Thực trạng hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp áp dụng trường phái Bát Trạch, hiểu sai bếp thành “Tọa hung hướng cát”. Tuy nhiên, đối với phong thủy Bát Trạch chính phái, thì cửa phải hợp với mệnh chủ, mà cửa cần hợp với bếp, nên bếp phải hợp với mệnh chủ, tức bếp phải tọa phương vị cát theo tuổi gia chủ.
Ngoài ra, các trường phái Lí Khí khác cũng cho rằng bếp phải tọa cát. Ví dụ: Huyền Không Phi Tinh cho rằng, bếp phải tọa sao tốt, đặc biệt không được tọa sao xấu, như sao số 2,5,7.