Khi nói đến phong thủy, ta thường nghĩ ngay đến các yếu tố trên mặt đất như: cửa, phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ,…Tuy nhiên ít ai biết được, có một yếu tố dưới mặt đất cũng có vai trò hết sức quan trọng, đó là bể phốt hay còn có các tên gọi: hầm tự hoại, hầm cầu, bể tự hoại, bồn tự hoại,…
Bể phốt là gì?
Bể phốt là nơi chứa các chất thải từ bồn cầu và chất thải sinh hoạt, rồi phân hủy tại chỗ, trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Bể phốt có thể được xây bằng gạch, đổ bê tông hoặc làm bằng bồn nhựa sản xuất sẵn. Thể tích của bể phốt gia đình khoảng từ 3000 – 8000 lít, tùy thuộc vào số lượng người sử dụng.
Đây là nơi chứa toàn bộ ô uế của căn nhà, còn phòng vệ sinh chỉ là nơi chứa chất thải tạm và sẽ nhanh chóng thoát ngay lập tức xuống bể phốt. Vậy nên bể phốt mới thật sự là nơi hung hại nhất, gây ảnh hưởng xấu nhất đến căn nhà, chứ không phải phòng vệ sinh như ta nhầm tưởng.
Nguyên tắc đặt bể phốt theo phong thủy
– Tránh đặt bể phốt ở tâm nhà. Tâm nhà là nơi tụ khí, là nguồn sống, là trái tim của căn nhà. Tâm nhà luôn phải được giữ yên tĩnh và sạch sẽ. Khi đặt bể phốt ở tâm nhà, sẽ gây nhiều rắc rối cho toàn bộ căn nhà, đây là điều đại kị trong phong thủy, cần phải tránh.
– Tránh đặt bể phốt trước cửa chính, vì nếu phạm điều này chẳng khác nào mỗi khi vào nhà, là lôi hết chất bẩn vào trong nhà. Khi thiết kế xây mới, khá hiếm gặp trường hợp này vì thông thường phòng vệ sinh đặt giữa nhà hoặc sau nhà nên bể phốt đặt trước nhà sẽ gây khó khăn về kĩ thuật, do độ dốc thoát phân không đảm bảo, nên bể phốt sẽ thường đặt giữa hoặc sau nhà.
Tuy nhiên, có trường hợp khi nhà nước mở rộng đường, cửa chính nhà lùi vào trong, thì phải lưu ý vị trí mở cửa chính tránh đặt trên bể phốt hiện trạng.
– Tránh đặt bể phốt ở hướng Tây Bắc. Đây là phương vị thuộc cung Càn, là cung đại diện cho người trụ cột trong gia đình và là cung quý nhân. Nếu đặt những yếu tố xấu tại đây, người cha, người ông trong nhà sẽ bị thiệt thòi, khó có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ mọi người.
– Tránh đặt bể phốt dưới chân cầu thang. Cầu thang là nơi dẫn khí đi lên các tầng trên, nên nếu có bể phốt bên dưới, khí uế sẽ lan tỏa đến khắp các tầng của căn nhà.
– Tránh đặt bê phốt quá gần bếp. Khoảng cách tối thiểu giữa bếp và bể phốt nên là 2m. Bể phốt chứa nhiều nước, lại là nước bẩn. Trong phong thủy gỏi là “Thủy uế”. Thủy khắc Hỏa, làm năng lượng của bếp suy yếu, ảnh hưởng đến tài lộc, sức khỏe của gia đình.
– Tránh làm bể phốt quá rộng, chỉ nên làm đủ với nhu cầu sử dụng, để diện tích chiếm chỗ của nó nhỏ nhất có thể, vì cái xấu càng lớn sẽ gây hung hại càng rộng, ảnh hưởng xấu nhiều việc, xấu nhiều người.
– Ngoài tránh những kiêng kị cơ bản như trên, nếu bạn có kiến thức về phong thủy, thì nên đặt bể phốt ở phương vị xấu, cung xấu. Nguyên tắc trong phong thủy, những yếu tố xấu, bẩn, nếu đặt ở cung xấu thì sẽ được hóa giải. Như trong trường phái Bát Trạch, hãy đặt bể phốt ở các du niên: Tuyệt Mệnh, Ngũ Quỷ, Họa Hại, Lục Sát. Còn trong trường phái Huyền Không, tại thời điểm này, có thể đặt bể phốt tại sao: số 2 (Nhị Hắc), số 3 (Tam Bích), số 5 (Ngũ Hoàng), số 7 (Thất Xích).
– Lưu ý cuối cùng, cho dù bạn có thực hiện tốt tất cả các nguyên tắc trên, thì bể phốt ở trong nhà vẫn gây ra các mối lo về phong thủy, vì mỗi cung trong nhà đều có ý nghĩa quan trọng nhất định, bể phốt ở cung nào thì cung ấy cũng có vấn đề. Thế nên, nếu bên ngoài nhà có khoảng sân vườn, cách tốt nhất là đưa bể phốt ra khỏi ngôi nhà, như vậy tác hại của bể phốt sẽ giảm đi đáng kể.