Phong thủy là bộ môn khoa học, các nguyên lí xoay quanh việc bố trí, sao cho con người, thời gian và không gian hòa hợp nhau, nhằm đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người sử dụng. Hiện nay, phong thủy đã trở nên rất phổ biến và hầu như không ít thì nhiều, các gia đình đều đã áp dụng phong thủy vào trong căn nhà của mình.

Sau đây là 7 lời khuyên về phong thủy dành cho gia chủ khi xây nhà.

1. Không áp dụng cứng nhắc nguyên lí phong thủy truyền thống cho căn nhà hiện đại

Dẫu biết rằng, có nhiều kinh ngiệm hữu ích từ ngày xưa vẫn còn giá trị cho đến tận bây giờ, nhưng vẫn còn không ít những quan điểm không còn phù hợp với thực tại. Xã hội phát triển, kéo theo sự thay đổi về không gian sống bởi nhu cầu, thẩm mỹ, kĩ thuật,… đã tiến bộ hơn rất nhiều. Bản chất của phong thủy là sự dịch chuyển, vậy nên việc ứng dụng phong thủy buộc phải thay đổi theo thời gian và không gian.

2. Phong thủy không có công thức chung, mỗi trường hợp luôn có hướng giải quyết khác nhau

Hai ngôi nhà cùng bị một lỗi phong thủy, giống như hai người cùng bị một chứng bệnh, tùy vào cơ địa, tình trạng bệnh, độ tuổi, thậm chí là điều kiện của mỗi người mà cách chữa bệnh cũng khác nhau. Phong thủy cũng vậy, cùng một vấn đề, không gian này bị ảnh hưởng xấu mà nơi khác có thể không sao, bởi người sử dụng, tính chất ngôi nhà, kích thước ngôi nhà, hướng ngôi nhà, hình thế xung quanh ngôi nhà,… là khác nhau. Do đó, làm phong thủy không thể rập khuôn, mà sẽ luôn linh hoạt thích ứng với từng thế nhà cụ thể.

3. Không “lụy” vào bất kì trường phái nào.

Phong thủy có rất nhiều trường phái, mỗi trường phái sẽ có nguyên lí và cái hay riêng. Vậy nên, cần “gạn đục khơi trong” các trường phái ở từng tình huống cụ thể, không cần tìm cái tốt nhất ở bất kì trường phái nào, mà cố gắng cân đối các trường phái để tránh được các yếu tố xấu. Khi phong thủy không xấu, tức là đã tốt rồi. Phong thủy rất quan trọng tính cân bằng, mọi thứ nên dừng ở mức độ hài hòa, ắt sẽ được bền lâu.

4. Không nên lo lắng khi ngôi nhà mắc phải một vài lỗi phong thủy

Phong thủy không đơn thuần chỉ là cái cửa, cái bếp, hay cái giường, nó bao gồm nhiều yếu tố cần xét đến: tọa độ ngôi nhà, thời gian xây dựng, tuổi các thành viên trong gia đình, ngoại cảnh bên ngoài, bố trí của tất cả các yếu tố bên trong. Ngoài ra, phong thủy có nhiều trường phái, có thể ngôi nhà đang bị lỗi ở trường phái này, nhưng trường phái khác lại tốt.

Thế nên, bạn đừng lo sợ khi nhà mình chỉ bị một vài lỗi phong thủy, bởi nhiều yếu tố tốt sẽ thắng được ít yếu tố xấu. Chỉ khi nào ngôi nhà bị nhiều lỗi thì mới đáng ngại, lúc đó bạn cần tìm người có chuyên môn để giải quyết cho mình.

5. Phong thủy cần “hỗ trợ” cho kiến trúc chứ không phải “kẻ thù” của kiến trúc

Khi ứng dụng phong thủy trong thiết kế nhà ở, không phải tìm sự tuyệt đối, mà cần phong thủy ở mức phù hợp và thỏa mãn các yêu cầu thiết yếu của kiến trúc về: công năng, thẩm mỹ, kinh tế, bền vững. Một ngôi nhà tốt về phong thủy nhưng ở chật chội, bức bí, khó chịu,…thì con người chẳng muốn ở trong đó. Một ngôi nhà đẹp, đầy đủ tiện nghi, nhưng gặp nhiều điều không may mắn thì người ở cũng bất an. Bởi vậy, phong thủy và kiến trúc cần bổ trợ, không thể tách rời nhau.

6. Nên kết hợp phong thủy trong giai đoạn thiết kế

Thời điểm tốt nhất để làm phong thủy là lúc mọi thứ còn đang trong bản vẽ. Khi đó, người thầy phong thủy sẽ kết hợp với kiến trúc sư để cho ra phương án phù hợp nhất, dễ dàng thỏa mãn các yêu cầu đưa ra . Trường hợp công trình đang thi công hoặc đã hoàn thành, nếu muốn can thiệp gì về phong thủy sẽ gây ra nhiều vấn đề: bất tiện, tăng chi phí thi công, kéo dài tiến độ, công năng hay thẩm mỹ đều không tối ưu,…

7. Nên tìm và tin tưởng chỉ một thầy phong thủy

Kiến thức phong thủy chính phái, không phổ biến rộng rãi như các bộ môn khoa học khác, vậy nên rất khó để bạn có thể tự tìm hiểu và áp dụng đúng cách, nếu không có người hướng dẫn. Vậy nên, bạn cần tìm một thầy phong thủy để hỗ trợ công việc này cho mình. Người này nhất thiết phải phối hợp công việc tốt với kiến trúc sư và tuyệt đối không hù dọa khách hàng.

Khi đã tin tưởng lựa chọn ai, thì hãy tôn trọng quyết định của họ, tránh trường hợp hỏi thăm nhiều nơi, hay tìm nhiều thầy khác can thiệp. Bởi mỗi thầy có cách làm khác nhau, theo trường phái riêng của họ, rất hiếm khi họ cùng đồng nhất về quan điểm. Bạn hỏi càng nhiều thì sẽ có nhiều đáp án và bạn không biết phải theo ai, khi đó người mệt mỏi nhất sẽ là bạn.


Nguồn Cafe Land